Tinh thần khởi nghiệp của Israel - giá trị tham khảo trong khơi dậy khát vọng Việt Nam và động lực khởi nghiệp của thế hệ trẻ

CT&PT - Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập và quán triệt thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo nói chung, thanh niên khởi nghiệp nói riêng chính là minh chứng thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong những năm qua, Israel nổi lên như một hình mẫu về khởi nghiệp. Tuy là một quốc gia nhỏ bé, nghèo tài nguyên và thường xuyên xảy ra chiến sự, song Israel luôn sáng tạo không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên trở thành quốc gia có sự đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Thông qua việc nghiên cứu tinh thần khởi nghiệp của Israel, chúng ta có thể rút ra nhiều giá trị tham khảo trong khơi dậy khát vọng Việt Nam và động lực khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

CT&PT - Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập và quán triệt thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo nói chung, thanh niên khởi nghiệp nói riêng chính là minh chứng thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong những năm qua, Israel nổi lên như một hình mẫu về khởi nghiệp. Tuy là một quốc gia nhỏ bé, nghèo tài nguyên và thường xuyên xảy ra chiến sự, song Israel luôn sáng tạo không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên trở thành quốc gia có sự đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Thông qua việc nghiên cứu tinh thần khởi nghiệp của Israel, chúng ta có thể rút ra nhiều giá trị tham khảo trong khơi dậy khát vọng Việt Nam và động lực khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

1. Khởi nghiệp - tư duy cốt lõi của người Israel

Israel có dân số khoảng 8,9 triệu người; là quốc gia có diện tích nhỏ hẹp, chỉ khoảng trên 20.000 km2, trong đó 2/3 diện tích là hoang mạc, còn lại là đồi núi, sỏi đá cằn cỗi; nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng; tài nguyên thiên nhiên gần như bằng không. Mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như vậy, song bằng trí tuệ, niềm tin và sự đoàn kết, người Israel đã biến vùng đất khô cằn, bé nhỏ giữa “chảo lửa” Trung Đông trở thành “Quốc gia khởi nghiệp” được cả thế giới nể phục như hiện nay. Có thể khẳng định, khởi nghiệp là tư duy đã “ăn vào máu” của người Israel, bởi: Thứ nhất, đây là một vùng đất có nhiều biến động về tôn giáo, chính trị, an ninh - quốc phòng. Trong suốt hàng nghìn năm qua, người Do Thái luôn rơi vào cảnh ly tán và phải sinh sống rải rác tại nhiều nơi trên khắp các lục địa, đặc biệt là cuộc diệt chủng do phát xít Đức thực hiện. Năm 1948, khi Nhà nước Israel được thành lập, những người Do Thái vẫn phải chịu áp lực lớn từ các nước láng giềng. Từ đó, người Do Thái và đất nước non trẻ Israel biết rằng, sức mạnh lớn nhất nằm trong chính con người Do Thái. Họ phải tự lực, tự cường, học cách thích ứng để trở nên tài giỏi và giàu mạnh.

Thứ hai, Israel là một quốc gia có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khí hậu nóng, khô, nhiều hoang mạc và thiếu nước ngọt. Bên cạnh đó, chiến sự xảy ra thường xuyên đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, ngay từ khi thành lập nước, Israel luôn tiên phong trong việc cải tạo tự nhiên, thích ứng với khó khăn. Với người Do Thái, sức sáng tạo được ươm mầm và nảy nở trên chính những nghịch cảnh của cuộc sống.

Thứ ba, Do Thái là chủng tộc có chỉ số IQ - chỉ số thông minh bình quân cao nhất thế giới. Mặc dù, số lượng người Do Thái chỉ chiếm 0,2% tổng dân số trên toàn cầu, song, theo thống kê từ năm 1901 đến năm 2004, có 167 người Do Thái hoặc có huyết thống với người Do Thái đạt giải Nobel (chiếm 22% trong tổng số người được nhận giải)1. Tố chất thông minh, ham học hỏi, luôn tìm tòi, khám phá cũng được nhận định là một trong những nhân tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Israel.

2. Tinh thần cốt yếu, chủ đạo trong khởi nghiệp của Israel

Thứ nhất, sáng tạo không ngừng, dám làm, dám chịu trách nhiệm - tinh thần “chutzpah” “Đừng sợ đi chậm. Chỉ sợ đứng yên” là châm ngôn phổ biến của giới trẻ, đặc biệt là những người có mong muốn, hoài bão khởi nghiệp. Người Do Thái có rất nhiều điểm đặc thù, nổi bật làm nên kỳ tích phát triển của đất nước Israel. Một trong số đó là tinh thần “chutzpah” -  sự sáng tạo không ngừng, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để mô tả tinh thần “chutzpah” của người Israel, không thể không nhắc đến những “gã khổng lồ” về công nghệ hiện nay và lý do tại sao họ luôn chọn quốc gia có diện tích chỉ hơn 20.000 km2 này làm “đại bản doanh” ở bên kia Đại Tây Dương.

Theo Adi Soffer Teeni - Giám đốc điều hành Facebook tại Israel, con người chính là lý do khiến Israel trở thành “đất tổ” của các hãng công nghệ: “Có quá nhiều tài năng tuyệt vời ở đây. Các công ty đa quốc gia đến đây với các trung tâm R&D lớn và tuyển dụng những người có tư duy sáng tạo”2. Ngoài ra, tâm lý và văn hóa tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ truyền thông (R&D) của Facebook ở Israel cũng có nét tương đồng với thung lũng Silicon (Mỹ), nơi các kỹ sư “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” trong khi “mặc quần short và mang dép”. Theo Don Dodge, đối tác phát triển của Google: “Israel có một nguồn tài năng tuyệt vời, sáng tạo, dám làm. Đây là xứ sở của các công ty khởi nghiệp (Start-up)”. Cũng theo Dodge, có nhiều kỹ sư lương rẻ hơn ở Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng thường không đủ tốt như ở Israel3.

Thứ hai, tư duy phản biện - “không chấp nhận cái có sẵn”

Người Israel không chấp nhận cái có sẵn, cũng không chấp nhận chỉ có duy nhất một ý kiến đúng về một vấn đề bởi cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Văn hóa của người Israel là phản biện, mục đích của phản biện không nhằm hạ bệ hay thể hiện cái tôi một cách quá mức mà là tìm kiếm cái mới, tốt hơn để phát triển. Đến các công ty của người Israel hay làm việc cùng họ, nhiều người đều có chung nhận định, người Israel thích trao đổi, tranh luận với nhau. Nhà trường ở Israel luôn duy trì nguyên tắc: học sinh hỏi, thầy, cô giáo giải thích và thuyết phục học sinh chứ không áp đặt; học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy, cô giáo hoan nghênh và hỗ trợ thực hiện. Sự tranh luận, phản biện đã trở thành văn hóa của người Israel từ khi còn trong nhà trường đến khi ra ngoài xã hội. Roy Ramon - Giám đốc quản lý Intel Ingenuity Partner Programme tuyên bố, Intel là một trong những công ty lớn nhất ở Israel, với 11.000 nhân viên trên khắp cả nước. Trung tâm đầu tiên của Intel tại Israel được mở cách đây gần 40 năm. Theo ông, điểm khác biệt của Israel đến từ: “Khi công ty của bạn gặp gỡ với một công ty Israel, họ bước vào và nói với các kỹ sư tất cả những gì đang làm đều là sai lầm. Họ khởi hành lại mọi thứ trong khi các kỹ sư này đã và đang làm công việc trong nhiều năm và họ là các chuyên gia trên thế giới. Các công ty khởi nghiệp đủ mạnh mẽ để đến với một gã khổng lồ như Intel và nói rằng bạn đang làm việc đó hoàn toàn sai. Đây là một trong những văn hóa mà bạn không thể có được ở bất cứ nơi nào trên thế giới”4.

Trong một buổi tọa đàm tại nước ta, bà Meirav Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam chỉ rõ: “Một trong những điểm căn bản để có sự phản biện, chủ động, sáng tạo của tinh thần Israel, đó là chúng tôi là một dân tộc yêu sách. Ngay từ khi phần đông loài người còn chưa biết đọc, thì người Do Thái đã đọc sách, viết sách. Ngay với Kinh Thánh, mỗi thế hệ lại có sự tranh cãi, phản biện và giải thích khác nhau, không bao giờ ngừng lại. Đó là khí chất của người Do Thái: không ngại thách thức và luôn đòi hỏi nhiều ý tưởng hơn, nhiều sáng tạo hơn”5.

Thứ ba, Chính phủ đồng hành, tạo lập môi trường khởi nghiệp

Trong cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel, tác giả Dan Senor và Saul Singer dẫn lời tựa của nguyên Tổng thống Israel Shimon Peres: “Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người”6. Để khai thác hiệu quả nguồn vốn này, từ lâu Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Năm 1991, Chính phủ Israel thành lập các vườn ươm công nghệ gồm 24 trung tâm. Đây là nơi tận dụng tối đa nguồn lao động từ Nga di cư về Israel, vốn là những kỹ sư có trình độ tại Nga. Trong mỗi bộ của Israel đều có một cơ quan chuyên trách về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và một chuyên gia trưởng được phân công chịu trách nhiệm về việc phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo. Người Israel đã sớm nhận thức việc thúc đẩy khoa học và công nghệ là yếu tố hết sức cần thiết để phát triển đất nước. Đồng thời, Chính phủ Israel đã sớm xây dựng cơ cấu tổ chức phục vụ cho đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản, khoa học.

Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel (thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel) chịu trách nhiệm về chính sách đổi mới; hoạt động vì lợi ích của hệ sinh thái đổi mới nền kinh tế của Israel; tư vấn cho các bộ, ủy ban của Chính phủ và Quốc hội về chính sách đổi mới trong nước; đồng thời, theo dõi và phân tích những thay đổi đang diễn ra trong môi trường đổi mới ở Israel và các quốc gia trên thế giới. Để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất, Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel đã thiết kế và vận hành một loạt chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành những công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội. Tầm nhìn của Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel là tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thông qua đổi mới. Tầm nhìn này được chia thành hai mục tiêu có sự tác động, bổ sung cho nhau: duy trì vị trí hàng đầu của Israel trong quá trình đổi mới trên phạm vi toàn cầu và nâng cao toàn bộ nền kinh tế Israel thông qua đổi mới công nghệ. Người Israel thích môi trường kinh doanh sôi động, hạ tầng công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel có 6 đơn vị gồm: Phòng Khởi nghiệp, Phòng Tăng trưởng, Phòng Sản xuất tiên tiến, Phòng Hợp tác quốc tế, Ban Cơ sở hạ tầng công nghệ và Ban Giải quyết thách thức xã hội. Trong đó, một trong những chức năng của Ban Giải quyết thách thức xã hội là tăng tỷ lệ phụ nữ trong các dự án đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo7.

Thứ tư, “thất bại là mẹ của thành công”

Tại Israel, thất bại được xã hội chấp nhận và thậm chí còn được tán dương với cụm từ “thất bại vinh quang”. Có thể nhận thấy, người Israel ứng xử “có lý, có tình” đối với những người dấn thân vào con đường khởi nghiệp sáng tạo. Bởi trên thực tế, trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo và ngay cả trong cuộc sống, thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ không phải vì thất bại mà suy sụp, bế tắc. Trong lịch sử Nhà nước Israel non trẻ, năm 1973, trong cuộc chiến mang tên Yom Kippur, người Do Thái tuy giành được thắng lợi nhưng đã bị tổn thất nặng nề về mặt quân sự, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống phòng ngự kém, tính phòng vệ và tính hiện đại của lực lượng quốc phòng còn hạn chế. Theo ước tính, cuộc chiến này đã khiến Israel thiệt hại tài chính tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong một năm. Chỉ tính riêng ở mặt trận Sinai, khoảng ¼ lực lượng không quân của Israel đã bị bắn hạ; khoảng ½ lực lượng thiết giáp của Israel đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến8. Thất bại trong cuộc chiến Yom Kippur đã tác động lớn đến lòng tự trọng của người Do Thái. Họ nghiêm túc nhìn nhận thất bại đó và biến mình trở thành một trong những quốc gia có nền quốc phòng tiên tiến của thế giới hiện nay. Israel tự hào có kho dự trữ quân sự hiện đại bậc nhất trên thế giới, cũng như sở hữu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tinh nhuệ đạt được thành công đáng kể trong lĩnh vực quân sự9.

Thứ năm, ươm mầm các start-up nhờ giáo dục

Ở Israel, trẻ em phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt để có thể vượt khó và hiểu rõ giá trị của cuộc sống. Trường học ở đất nước này thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan 1 ngày tại nơi làm việc của cha mẹ. Trẻ em Do Thái đều phải giúp bố mẹ làm việc nhà, kể cả những gia đình giàu có nhất. Người Do Thái cũng sớm rèn cho con khả năng quản lý tiền bạc và dạy con hiểu về giá trị của đồng tiền từ khi các em còn rất nhỏ. Giúp trẻ sớm hiểu giá trị của đồng tiền khiến chúng nhận thức được việc tạo ra của cải là khó khăn và nhất thiết phải nỗ lực hết sức. Ngoài ra, người Do Thái còn là dân tộc chăm đọc sách nhất thế giới, sách quý được truyền từ đời này sang đời khác, có hơn 1.000 thư viện trên khắp cả nước và tủ sách thường được đặt bên cạnh đầu giường của mỗi em nhỏ10.

Theo dữ liệu năm 2014 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Israel xếp thứ tư trên thế giới về trình độ dân trí, đứng sau Nhật Bản, Canada, Nga và đứng trước Mỹ. Tại đất nước Trung Đông này, tỷ lệ dân số có trình độ đại học đạt trên 46% và chi tiêu bình quân giáo dục đại học cho một sinh viên khoảng 11.553 USD, cao thứ 18 trên thế giới11. Trên thực tế, nền tảng trí tuệ vững vàng, được đào tạo bài bản rất quan trọng với các start-up, không có trí tuệ thì khó có thể sáng tạo.

3. Nghiên cứu tinh thần khởi nghiệp của Israel - Giá trị tham khảo trong khơi dậy khát vọng Việt Nam và động lực khởi nghiệp của thế hệ trẻ

Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Israel sáng nay tại Hà Nội

“Khát vọng phát triển đất nước” là cụm từ được đề cập nhiều lần trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo nói chung, thanh niên khởi nghiệp nói riêng chính là minh chứng thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Khởi nghiệp là không có ranh giới”. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy. Nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của 100 triệu người dân Việt Nam, là tiềm năng trong mỗi con người Việt Nam ở trong nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tin tưởng rằng, với khát vọng vươn lên mãnh liệt, quyết tâm chính trị cao, nhất định đất nước ta sẽ lập nên những kỳ tích mới, vì một nước Việt Nam cường thịnh, cùng tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trên thế giới, Israel là minh chứng điển hình trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng con người để trở thành quốc gia tiên phong về khởi nghiệp. Thông qua việc nghiên cứu tinh thần khởi nghiệp của Israel, có thể rút ra các giá trị tham khảo trong khơi dậy khát vọng Việt Nam, khơi dậy động lực khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Cụ thể là:

Thứ nhất, khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên, khát khao cống hiến, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; tự tin, tự giác, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của đất nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời người lao động, những tập thể có sáng kiến hiệu quả, có thành tích nổi bật, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Có thể hiện thực hóa những ý tưởng như: Muốn có được nhiều sáng tạo, phải tạo ra nhiều “sân chơi” khác nhau. Từ “sân chơi”, mỗi thành viên tham gia có những ý tưởng hay, mang tính thực tế cao, còn gọi là “sáng tạo từ thực tế, thực nghiệm”. Hay hoạt động sáng tạo diễn ra liên tục ở khắp mọi nơi, nhưng nếu không đẩy mạnh truyền thông thì phạm vi lan tỏa sẽ bị giới hạn, dẫn đến việc tiếp nhận những ý kiến đóng góp, phản hồi của cộng đồng bị hạn chế, khả năng áp dụng rộng rãi vào thực tế kém hiệu quả. “Chia sẻ ý tưởng sáng tạo là để nâng cao kết nối, thúc đẩy người khác cùng đào sâu sáng tạo”. Truyền thông cho hoạt động sáng tạo cũng là một cách hỗ trợ việc tự tạo cơ hội cho thanh niên. Phương pháp truyền thông có thể qua đài, báo, mạng xã hội12.

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần chủ động lắng nghe, tạo điều kiện để các dự án đi vào hoạt động. Nghiên cứu việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Xem xét kỹ từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp. Các bộ, các địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận. Cần nghiên cứu, xem xét đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường, thành lập sàn huy động vốn khởi nghiệp và phát triển các quỹ đầu tư, trong đó có đầu tư khởi nghiệp. Đây là những giải pháp mà Chính phủ Israel đã thực hiện thành công và có thể áp dụng tại Việt Nam.

Thứ ba, đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, ươm mầm start-up. Trong tư duy giáo dục Việt Nam cần phải khẳng định việc học đi đôi với hành, đề cao tinh thần phản biện, tranh luận giữa thầy và trò; khắc phục hạn chế về tư duy trọng bằng cấp, ít chú trọng đến việc học nghề, đào tạo nghề; phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của giới trẻ. Quản lý giáo dục ở mọi cấp độ đều phải hướng đến người học, nâng cao khả năng tư duy độc lập, phối hợp và làm việc nhóm; khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến, phát minh. Tăng cường hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo tại các trường đầu ngành về khoa học tự nhiên, kinh tế; tạo lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế quốc dân…

Thứ tư, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế liên kết bốn nhà: “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp”; đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương để doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp kết nối và tìm được đối tác phù hợp. Xây dựng cơ sở dữ liệu mở, cung cấp các thông tin có giá trị và thiết lập các kết nối có ý nghĩa giữa cộng đồng start-up và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nuôi dưỡng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kinh doanh toàn diện. Tạo lập diễn đàn khởi nghiệp trên cả nước, thay đổi tư duy của các start-up trẻ, khi có sự cố xảy ra, suy nghĩ giải pháp để giải quyết sự cố thay vì nhụt chí, từ bỏ. Khơi dậy tinh thần dân tộc, khát vọng Việt Nam trong cộng đồng và xã hội.


1. Xem Trí tuệ kinh doanh của người Do Thái: Tuyệt đỉnh thông thái là đây, https://camnangceo.com/tri-tue-kinh-doanh-cua-nguoi-do-thai/.

2, 3, 4. Xem Hiếu Trung: Tại sao Israel trở thành “đất tổ” của nhiều gã công nghệ khổng lồ?, Báo Thanh niên điện tử, ngày 07/10/2016, https://thanhnien.vn/cong-nghe/tai-sao-israel-tro-thanh-dat-to-cua- nhieu-ga-cong-nghe-khong-lo-752515.html.

5. Xem Hồ Hương Giang: Nhân tài Việt “phục lăn” tinh thần Do Thái, Báo Vietnamnet, ngày 06/6/2013, https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/ nhan-tai-viet-phuc-lan-tinh-than-do-thai-124098.html.

6. Dan Senor và Saul Singer: Quốc gia khởi nghiệp - Câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 10.

7. Xem Tô Đình Tuân: Israel - “Quốc gia khởi nghiệp” hàng đầu thế giới, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/6/2018, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/israel-quoc-gia-khoi-nghiep-hang-dau- the-gioi-1491845989. 8. Xem McDermott, Rose; Bar-Joseph, Uri: Intelligence Success and Failure: The Human Factor, Oxford University Press, New York City, 2017, ISBN 978-0-19934-173-3, Chapter 5.

9. Xem Trường Phan: Vì sao tiềm lực quân sự Israel “nhỏ mà có võ”?, Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 03/12/2020, https://baoquocte.vn/ vi-sao-tiem-luc-quan-su-israel-nho-ma-co-vo-130583.html.

10. Xem Nguyễn Vân: Thiên tài và tinh hoa nền giáo dục Israel, Báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 02/7/2013, https://suckhoedoisong.vn/ thien-tai-va-tinh-hoa-nen-giao-duc-israel-n63937.html.

11. Xem: Israel được xếp hạng thứ tư thế giới về trình độ dân trí, Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 16/09/2014, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet. aspx?tintucID=21816.

12. Xem Anh Đan: Tạo nhiều sân chơi để thúc đẩy sáng tạo từ thực tế, Báo Thanh niên điện tử, ngày 28/8/2016, https://thanhnien.vn/gioi-tre/ tao-nhieu-san-choi-de-thuc-day-sang-tao-tu-thuc-te-738685.html.

TS. PHẠM VĂN PHONG

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

TS. NGUYỄN HỮU LUẬN

Học viện Hành chính quốc gia

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/tinh-than-khoi-nghiep-cua-israel-gia-tri-tham-khao-trong-khoi-day-khat-vong-viet-nam-va-dong-luc-khoi-nghiep-cua-the-he-tre-a1502.html