Đồng chí Lê Đức Thọ - Người biến nhà tù đế quốc thành trường học Cách mạng

CT&PT - Đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cách mạng tiền bối, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

CT&PT - Đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cách mạng tiền bối, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian hoạt động bí mật, đồng chí đã ba lần bị địch bắt, trong đó có hai lần bị kết án tổng cộng 15 năm tù. Sự giam giữ, đày ải, tra tấn dã man trong nhiều nhà tù khác nhau của thực dân Pháp không khuất phục được bản lĩnh của người cộng sản, mà ngược lại, sự tàn bạo của kẻ thù càng tôi luyện thêm ý chí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất, càng rèn đúc thêm trí tuệ và phẩm chất để sau này đồng chí trở thành một nhà lãnh đạo tài năng, bản lĩnh, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam.

1. Đấu tranh và trưởng thành trong nhà tù thực dân Pháp (1931-1936)

Đồng chí Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1925, ở tuổi 14, đồng chí Phan Đình Khải tham gia hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước. Đến năm 1926, đồng chí tham gia các hoạt động bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1928). Nhờ tích cực hoạt động và rèn luyện trong các tổ chức cách mạng, ngày 10/10/1929, Phan Đình Khải vinh dự được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí được tổ chức phân công phụ trách công tác thanh niên, học sinh. Từ một thanh niên yêu nước trở thành đảng viên cộng sản là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Phan Đình Khải.

Tháng 11/1930, Phan Đình Khải bị thực dân Pháp bắt trong lúc đang rải truyền đơn và treo cờ Đảng ở nhiều đường phố và bị giải về Sở mật thám Nam Định. Tại đây, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn, tra tấn dã man hòng khuất phục tinh thần Phan Đình Khải nhưng thất bại. Phan Đình Khải không khai ra bất kỳ một đồng chí nào, một cơ sở nào mà đồng chí xây dựng và có quan hệ công tác, không thừa nhận là đảng viên cộng sản và trách nhiệm mà Đảng giao cho1. Bất lực trước tinh thần cách mạng kiên cường của người cộng sản trẻ tuổi, mật thám Pháp đưa Phan Đình Khải giam riêng ở xà lim nhà lao Nam Định, cùm hai chân suốt 4 - 5 tháng liền.

Ngày 27/01/1931, chính quyền thực dân đưa Phan Đình Khải ra xét xử tại tòa án Nam Định. Mặc dù đồng chí không thừa nhận những hoạt động của mình trong Đảng Cộng sản, nhưng với những tang vật và thông tin chúng nắm được, đồng chí bị kết án khổ sai chung thân. Sau khi đồng chí gửi đơn chống án, chúng giải đồng chí lên Hà Nội và tiến hành xét xử tại Tòa Thượng thẩm, đồng chí được giảm án xuống còn 10 năm khổ sai. Giữa năm 1931, chính quyền thực dân chuyển Phan Đình Khải từ nhà tù Hỏa Lò sang giam giữ tại nhà tù Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù và các loại nhục hình tra tấn, đày đọa dã man của chế độ thực dân, đế quốc.

Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phan Đình Khải bị giam cùng với tù thường phạm2 ở banh 1. Các đồng chí Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Tô Hiệu, Tống Văn Trân,... cũng bị giam giữ ở đây. Vào đầu năm 1932, chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời tại Khám Chỉ Tồn, nhà tù Côn Đảo, do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Các đồng chí Phan Đình Khải, Tôn Đức Thắng, Tô Hiệu, Trần Tử Bình, Tống Phúc Chiểu tham gia chi ủy chi bộ nhà tù. Khi đảng viên trong chi bộ bị chuyển đi giam giữ tại khám nào, thì tiếp tục thành lập chi bộ mới ở khám đó. Có thời gian đồng chí Phan Đình Khải làm Bí thư chi bộ của một khám.

Hoạt động của chi bộ cộng sản trong nhà tù Côn Đảo đã dần chắp nối liên lạc giữa trong tù với bên ngoài và giữa các banh với nhau. Qua đó, tổ chức tù nhân các banh phối hợp đấu tranh đòi cải thiện đời sống trong tù. Đây là cuộc đấu tranh tuyệt thực lớn nhất trong suốt thời gian Phan Đình Khải bị giam cầm ở Côn Đảo. Trước tinh thần phản kháng kiên quyết của tập thể người tù và sự lên án mãnh liệt của dư luận, chính quyền thực dân Pháp đã phải nhượng bộ.

Bên cạnh tổ chức đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù thì việc giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho tù nhân cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phan Đình Khải đã cùng chi bộ cộng sản tổ chức cho tù nhân học tập văn hóa và lý luận. Nhà tù Côn Đảo trở thành trường học cách mạng của các chiến sĩ cộng sản. Đánh giá về sáng kiến này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”3.

Thời kỳ này, nhà tù Côn Đảo có hai cơ quan ngôn luận của các tù chính trị cộng sản là tờ báo Tiến lên của tù nhân cộng sản bị giam ở trại khổ sai và Ý kiến chung của tù nhân cộng sản bị giam ở trại cấm cố. Mỗi kỳ ra báo, họ đã bí mật phát cho từng nhóm người đọc. Qua việc đọc báo, anh em trong tù bí mật trao đổi về thời cuộc; tổ chức học lý luận và văn hóa; nghiên cứu tác phẩm Mác - Ăngghen - Chủ nghĩa Mác của V.I. Lênin và tác phẩm Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin của Xtalin. Trong quá trình học tập, trao đổi, đã có những cuộc tranh luận ngầm về đường lối, chủ trương của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Nguyễn Văn Nguyễn, một nhà báo cộng sản đưa ra chủ trương bạo động, cướp nhà tù, vì theo anh, lãn công, tuyệt thực là tiêu cực, không giải quyết được vấn đề. Nguyễn Hới viết nhiều bài phê phán chủ trương của Nguyễn Văn Nguyễn, cho rằng, việc tổ chức cướp nhà tù là phiêu lưu, mạo hiểm, không thực tế vì “lực bất tòng tâm”. Đại đa số anh em tù nhân đều tán thành quan điểm của Nguyễn Hới. Lại có một số cuộc tranh luận giữa những đảng viên cộng sản và đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam chung trong nhà tù Côn Đảo, xoay quanh vấn đề về lý luận và đường lối giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhóm tù nhân Việt Nam Quốc dân Đảng dần bị phân hóa. Cuộc đấu tranh giữa các đảng viên cộng sản và đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng diễn ra hằng ngày ở hai khu vực tù khổ sai và tù phát lưu chung thân. Đồng chí Phan Đình Khải và đồng chí Ba Ngọ đại diện cho những người tù cộng sản ở khu vực tù khổ sai đứng ra giải quyết mâu thuẫn về quan điểm giữa những người cộng sản và những người Quốc dân Đảng4. Qua những cuộc tranh luận trong các phòng giam và những bài viết trên báo chí, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản ngày càng thâm nhập vào đời sống người tù, giúp các chiến sĩ cách mạng lý giải được những vấn đề lý luận cách mạng. Nhiều tù nhân Quốc dân Đảng, tù thường dần nhận thấy chỉ có những người cộng sản mới làm tròn sứ mệnh lịch sử là dẫn dắt quần chúng lao động làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phan Đình Khải đã cùng chi bộ cộng sản tổ chức hai chuyến vượt ngục thành công. Đó là chuyến vượt ngục của đồng chí Tạ Uyên (Ba Đen) và chuyến vượt ngục của đồng chí Tống Văn Trân5.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Phan Đình Khải tỏ rõ khả năng tổ chức đấu tranh và tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Ở nơi ngục tù, đồng chí vẫn thường nói, nhiệm vụ của những người cộng sản là phải giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Quần chúng được giác ngộ sẽ hăng hái làm cách mạng và gia nhập Đảng. Chế độ nhà tù ở Côn Đảo vô cùng nghiệt ngã, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng đồng chí Phan Đình Khải vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong đấu tranh, sống chết với kẻ thù. Đó chính là cơ sở để sau này đồng chí trở thành nhà cách mạng bản lĩnh, kiên định, sáng tạo của cách mạng Việt Nam.

2. Chỉ đạo đấu tranh trong các nhà tù thực dân Pháp (1940-1944)

Năm 1939, Chính phủ Pêtanh nắm quyền, đầu hàng phát xít Đức, cấm Đảng Cộng sản Pháp hoạt động. Chính quyền Pháp ở Đông Dương phát xít hóa, ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Bị đàn áp, khủng bố, một số đảng viên của Đảng ta hoạt động nửa bí mật, nửa công khai chưa kịp rút vào bí mật, đã bị địch bắt vào tù. Nhiều tù chính trị được thả ra trong năm 1936 bị chính quyền thực dân bắt trở lại, đưa vào giam giữ ở các nhà tù, nhà đày, các trại tập trung (camp) mà chúng gọi là “căng an trí”. Bị mật thám Pháp theo dõi từ trước, cuối năm 1939, Phan Đình Khải bị bắt lần thứ hai tại Nam Định mà không hề có bằng chứng kết án tù giam6. Tòa án Pháp vội vàng kết án đồng chí 5 năm tù giam vì tội “phần tử nguy hiểm cho an ninh” và “giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)”7. Sau cuộc đấu tranh kỷ niệm 10 năm Xôviết Nghệ Tĩnh (1930-1940), ở các tỉnh Bắc Kỳ, số đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng bị thực dân Pháp bắt đưa vào giam ở Hỏa Lò tăng lên. Chính quyền thực dân mở rộng nhà tù Sơn La thêm một lần nữa8 và đưa tù chính trị ở Hỏa Lò lên Sơn La giam giữ, trong đó có Phan Đình Khải.

Tháng 02/1940, Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập, ban đầu là đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, sau đó là đồng chí Tô Hiệu. Phan Đình Khải là một trong số chi ủy viên đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống chế độ lao dịch với nhiều hình thức. Tiêu biểu là cuộc tuyệt thực của tù chính trị ngày 13/5/1941, phản đối Công sứ Cútsô (Cousseau) phạt giam 5 tù nhân dưới hầm sâu. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, tất cả tù chính trị, trong đó có Phan Đình Khải đều bị dồn sang nhà đày. Chế độ giam giữ ở nhà đày Sơn La rất dã man, tàn độc. Tại đây, nhiều cán bộ ưu tú của Đảng đã hy sinh.

Thực hiện chủ trương của Chi bộ Nhà tù Sơn La, Phan Đình Khải nhận nhiệm vụ giúp đỡ, chăm sóc đồng chí Bí thư Tô Hiệu lúc này đang bị lâm bệnh; nhận chỉ thị tổ chức đấu tranh, lấy tài liệu chép lại cho các đảng viên trong tù học tập; đi làm bồi bếp cho giám ngục Lơbông để lấy tài liệu, sách báo tiếng Pháp chuyển cho chi bộ nghiên cứu nắm tình hình và tìm cách đưa ra ngoài. Đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ, giáo dục, thử thách quần chúng tích cực và giới thiệu để chi bộ kết nạp đảng viên mới. Nguyễn Đức Tâm là một quần chúng cách mạng, sau hai năm bị giam ở nhà đày Sơn La, mặc dù lý lịch chính trị của gia đình bảo đảm, bản thân được thử thách qua đấu tranh tuyệt thực, vào nhóm trung kiên 1, rồi trung kiên 2, nhưng vẫn chưa được chi bộ kết nạp vào Đảng. Thấy vậy, đồng chí Phan Đình Khải động viên: “Càng qua thử thách, càng vững vàng, mình đã có lý tưởng thì phải kiên trì. Có trường hợp một đồng chí hoạt động ở ngoài là đảng viên chính thức, từng là Tỉnh ủy viên, thế mà vào tù vẫn phải qua thử thách để kết nạp lại”9.          

Đầu năm 1943, thực dân Pháp bắt đầu chuyển nhiều đoàn tù, trong đó có đoàn của Phan Đình Khải từ nhà đày Sơn La xuống nhà tù Hòa Bình để chuyển đi Côn Đảo với âm mưu giết dần số tù này. Nhà tù Hòa Bình lúc đó đã có trên 200 tù chính trị; một chi bộ trên 20 đảng viên do Phan Đình Khải làm Bí thư. Vận dụng kinh nghiệm hoạt động ở nhà tù Sơn La, Chi bộ Nhà tù Hòa Bình đã ra tờ báo Bình Minh để bí mật tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, hướng dẫn công tác học tập, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Các đảng viên trong chi bộ thực hiện chủ trương của đồng chí Bí thư là tìm mọi cách để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng, trước tiên là binh lính coi tù, rồi mở rộng ra bên ngoài trong một số công chức nhỏ ở Tòa sứ, trường tiểu học, nhà thương, tầng lớp lao động tiểu thương. Chi ủy đã cử đảng viên liên lạc với một số cơ sở cách mạng ở thị xã Hòa Bình, thông qua đó, Chi bộ Nhà tù Hòa Bình đã liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương Đảng. Nhờ hoạt động của Chi bộ nhà tù, sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương, cơ sở đảng và phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình đã có bước phát triển quan trọng10.

Đầu năm 1944, Phan Đình Khải liên lạc với đồng chí Bình Phương, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách tỉnh Hòa Bình và được truyền đạt chủ trương của Trung ương về việc tổ chức giải thoát cán bộ ở nhà tù ra ngoài hoạt động11. Bị giam trong tù ngục, nhưng Phan Đình Khải hiểu rất rõ tình hình trong nước và thế giới lúc đó, nắm bắt kịp thời nhu cầu cán bộ cần kíp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng, đồng chí tích cực thực hiện chủ trương của Trung ương. Mọi công tác chuẩn bị cho các đồng chí vượt ngục được Bí thư và các đảng viên trong Chi bộ liên lạc, phối hợp với tổ chức đảng, cơ sở cách mạng ở địa phương thực hiện một cách khẩn trương, chu đáo, theo đúng kế hoạch. Nhờ đó, đầu năm 1944, 5 đồng chí, trong đó có Bùi Quang Tạo, Nguyễn Hữu Hiệt… đã trốn thoát thành công bằng thuyền trên sông Đà xuôi dòng đến bến Trung Hà (Sơn Tây), về cơ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương an toàn.

Chi bộ nhà tù Hòa Bình là nơi đầu tiên thực hiện thành công chủ trương của Trung ương về giải thoát cán bộ bị giam trong tù ra ngoài hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa12. Sau cuộc vượt ngục ở nhà tù Hòa Bình thắng lợi, tiếp đến cuộc chạy trốn của 3 đồng chí trong đoàn tù chính trị do binh lính Pháp dẫn giải từ nhà tù Sơn La đi qua Hòa Bình, các nhà tù Sơn La, Chợ Chu (Thái Nguyên) đã phối hợp với Đảng bộ địa phương tổ chức cho hàng chục cán bộ vượt ngục, trở về với Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân. Từ tháng 5/1944, hoạt động vượt ngục ở Hòa Bình có dấu hiệu bị lộ. Trước tình tình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Quốc Việt đã điều động đồng chí Bình Phương lên làm Trưởng ban cán sự tỉnh Phú Thọ, đồng thời làm nhiệm vụ chắp nối với Chi bộ Nhà tù Sơn La để tiếp tục đưa cán bộ quan trọng bị giam ở đây vượt ngục. Trước khi rời Hòa Bình, đồng chí Phan Đình Khải đã giới thiệu cho đồng chí Bình Phương một cơ sở liên lạc tin cậy ở Phú Thọ13.

Trong lao tù tàn độc của chế độ thực dân, mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí Phan Đình Khải vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, giữ vững ý chí chiến đấu, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững ý chí và tinh thần đấu tranh cách mạng. Đồng chí thường nhắc nhở các đồng chí: “Người cách mạng bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, cống hiến nhiều hơn cho phong trào”14. Đồng chí luôn thương yêu, gắn bó với anh em đồng chí, bạn tù và chú trọng bồi dưỡng kết nạp những đảng viên ưu tú cho Đảng; cùng các tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện chủ trương của Trung ương, nhằm giải thoát cho nhiều cán bộ quan trọng ra khỏi nhà tù Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu (Thái Nguyên), như Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Bùi Quang Tạo, Nguyễn Hữu Hiệt, v.v.. Những cán bộ này đóng vai trò quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám và các giai đoạn cách mạng về sau.

Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí căm thù giặc sâu sắc, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm giác ngộ và nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng để cứu nước, cứu dân. Những ngày tháng bị giam cầm và tra trấn dã man trong nhà tù đế quốc, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí của những bạn tù, biến bóng đêm đen tối thành những tia sáng cách mạng tỏa ra khắp nơi, tạo thành phong trào cách mạng rộng khắp. Lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm liêm chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu và kính trọng”15. Tinh thần và ý chí của đồng chí có sức lay động, khơi dậy khát vọng của các thế hệ người Việt Nam hôm nay vươn lên, quyết tâm tự lực, tự cường, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.


1. Xem Lời kể của đồng chí Lê Đức Thọ, Đức Vượng ghi ngày 13 và 14/11/1989, bản chép tay.

2. Âm mưu dùng tù thường phạm để uy hiếp, giết hại tù chính trị cộng sản. Chính quyền thực dân Pháp chủ trương đưa những tù nhân chúng cho là cứng đầu giam chung với tù thường phạm.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 402.

4. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (bí danh Ba Ngọ) gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1929, đầu năm 1930 là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Giữa năm 1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình.

5. Đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, đồng chí bị địch bắt, tra tấn đến chết. Tống Văn Trân vượt ngục trở về đất liền trước Tạ Uyên và bắt liên lạc với Đảng. Tống Văn Trân bị địch bắt và tra tấn đến chết.

6. Ngày 31/7/1939, mật thám khám xét và bắt giữ Phan Đình Khải cùng 22 người về Sở Mật thám Nam Định, do không có chứng cứ nên đành phải thả Phan Đình Khải và 22 người này. Nhân đó, đồng chí Phan Đình Khải gửi đơn cho Toàn quyền Đông Dương phản đối việc khám nhà, bắt người hàng loạt trái với tự do dân chủ. Ngày 09/9/1939, chúng lấy cớ “cấm lưu hành và tàng trữ sách báo cộng sản” bắt Phan Đình Khải kết án tù giam. Dựa vào nghị định của toàn quyền Đông Dương chưa đủ hiệu lực, đồng chí Phan Đình Khải đã kháng án lên Tòa thượng thẩm buộc tha bổng.

7. Xem Nguyễn Đức Tâm: “Lê Đức Thọ, người đồng chí mẫu mực, người anh thân yêu của tôi”, in trong cuốn sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 58 và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò (1899 - 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, trong nội dung cũng như “Danh sách các chiến sĩ tù chính trị nhà tù Hỏa Lò (1899-1954)”, không có tên Phan Đình Khải cũng như Lê Đức Thọ.

8. Thực dân Pháp lập nhà lao tỉnh Sơn La năm 1908, diện tích 500 m2; năm 1930 mở rộng thêm 1.500 m2; đến năm 1940, mở rộng thêm 170 m2. Tổng cộng diện tích nhà tù Sơn La là 2.170 m2.

9. Tháng 7/1943, Nguyễn Đức Tâm chuyển từ nhà tù Sơn La về nhà tù Hòa Bình. Sau một thời gian thử thách, tháng 3/1944, Nguyễn Đức Tâm được kết nạp vào Đảng. Xem Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 63.

10. Xem Bình Phương: “Nhớ về anh Lê Đức Thọ những ngày ở nhà tù Hòa Bình (1943-1944)”, in trong cuốn sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), Sđd, tr. 128.

11. Đây là chủ trương của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, tháng 02/1943.

12. Trước đó, ngày 03/8/1943, tại nhà tù Sơn La, chi bộ nhà tù đã tổ chức cho các đồng chí Nguyễn Lương Băng (Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (Trần Đăng Ninh), Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu vượt ngục. Tuy chưa có sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng đã giúp cho Trung ương sau đó đề ra chủ trương giải thoát nhiều đồng chí trong tù. Đến tháng 11/1943, Trung ương mới công nhận Chi bộ Nhà tù Sơn La.

13. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Dĩ (tức Trần Quang Bình), sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

14. Lê Đức Thọ - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 75.

15. “Lời phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại lễ trao tặng huân chương Sao vàng ngày 20/9/1990”, in trong cuốn sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), Sđd, tr. 13-14.

PGS, TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG, ThS. NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG

Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/dong-chi-le-duc-tho-nguoi-bien-nha-tu-de-quoc-thanh-truong-hoc-cach-mang-a1428.html