Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và bản sắc, cốt cách dân tộc. Ngày nay, văn hóa còn được xác định là một trong những yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Vì thế, xây dựng văn hóa Việt Nam trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam hiện nay.
1. Từ khi Đảng ta ra đời đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943) với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới. Theo đó, nền văn hóa giai đoạn này có “tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”. Những yếu tố “chống” của nền văn hóa giai đoạn này là chống chính sách nô dịch văn hóa của Pháp và Nhật, chống Âu hóa, Nhật hóa, chống tư tưởng lạc hậu, đấu tranh với các học thuyết triết lý và tông phái văn hóa trái với thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những yếu tố “xây” của nền văn hóa giai đoạn này theo ba nguyên tắc: “1- Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); 2- Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng; 3- Khoa học hóa (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”1.
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và Người đã phát động phong trào “Đời sống mới”. Theo Người, “thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”2. Trong những năm từ 1946-1954, mặc dù phải dồn sức vào cuộc “kháng chiến, kiến quốc”, song Đảng và Nhà nước ta vẫn chú trọng xây dựng nền văn hóa mang “nội dung tân dân chủ và hình thức mang tính dân tộc”. Những yếu tố “xây” của thời kỳ này tuy còn manh nha, song nó đã đặt nền móng quan trọng cho xây dựng nền văn hóa mới ở các giai đoạn sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội (năm 1958). Nguồn: hochiminh.vn
Giai đoạn 1954-1975, trong điều kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: 1- Cách mạng quan hệ sản xuất; 2- Cách mạng khoa học - kỹ thuật; 3- Cách mạng tư tưởng - văn hóa, nhằm đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, trong đó “tính chất dân tộc” của văn hóa được coi trọng, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Những tư tưởng hư vô chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, dân tộc hẹp hòi hoặc sôvanh, sùng ngoại, lai căng hoặc bài ngoại quá khích đều bị lên án, xa lạ với quan điểm văn hóa mà Đảng ta chủ trương xây dựng.
Ở giai đoạn này, đối với miền Bắc, việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong thời bình cũng như trong thời gian Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và quần chúng nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Lúc đó, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, lại phải chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhưng đời sống văn hóa của nhân dân miền Bắc có nhiều tiến bộ. Mối quan hệ giữa con người với con người và con người với xã hội là quan hệ tốt đẹp, là nêu cao “đạo đức cách mạng”, “lòng dũng cảm”, “đức hy sinh”; là lẽ sống “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; là phong cách sống, chiến đấu, lao động và học tập: “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai”, “học tốt, dạy tốt”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn hóa chống đế quốc, thực dân trong thời đại mới. Chất keo gắn bó văn hóa, con người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước chân chính, là đức hy sinh, là cộng đồng tình nghĩa, làm cho văn hóa Việt Nam có tính tập thể cao, giàu lòng vị tha, giàu tính nhân văn. Tuy nhiên, văn hóa miền Bắc nước ta giai đoạn này nhìn chung vẫn còn dấu ấn của văn hóa và văn minh nông nghiệp, mang tính thuần hậu và thế tục.
Ở miền Nam, giai đoạn 1954-1975, bên cạnh đại bộ phận nhân dân đấu tranh cho độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì vẫn còn một bộ phận người dân bị ảnh hưởng của văn hóa và lối sống chủ nghĩa thực dân mới. Trong giai đoạn này, đế quốc Mỹ đã sử dụng văn hóa như một vũ khí, một công cụ tuyên truyền cho lối sống Mỹ, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu xâm lược, che đậy cho cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành ở miền Nam nước ta, điển hình là việc truyền bá ý thức hệ tư sản, tuyên truyền văn hóa đồi trụy, đề cao lối sống thực dụng, hưởng thụ… Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ ở miền Nam thời kỳ này cũng để lại một số yếu tố tích cực trong lĩnh vực văn hóa. Đó là tác phong kinh doanh năng động, chú ý đến tính hiệu quả; thói quen sinh hoạt khẩn trương, tháo vát, nhanh nhẹn.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên lĩnh vực văn hóa, cùng với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, ở miền Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhanh chóng xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa và lối sống chủ nghĩa tư bản, nhất là ở các đô thị; giáo dục, cải tạo những người lầm đường, lạc lối với tinh thần khoan dung; thống nhất các tổ chức và thiết chế văn hóa; triển khai đồng bộ và cân đối sự nghiệp văn hóa trong toàn quốc.
Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, văn hóa tiếp tục phát triển trong điều kiện mới của đất nước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp và những sai lầm trong thực hiện chính sách kinh tế, cộng thêm với sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch đã ảnh hưởng đến lĩnh vực văn hóa, xã hội của đất nước. Tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế diễn ra nghiêm trọng, đời sống nhân dân khó khăn, hiện tượng tiêu cực trong xã hội nảy sinh. Những hiện tượng văn hóa thiếu lành mạnh, khuynh hướng lệch lạc xuất hiện, biểu hiện rõ nhất là ở sự xuất hiện băng đĩa, phim ảnh, sách báo với những nội dung đồi trụy, phản động được lén lút đưa vào nước ta làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của nhân dân.
Thực hiện đường lối đổi mới, trong đó có lĩnh vực văn hóa, năm 1998, Đảng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp đó, năm 2014, Đảng tiếp tục ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các nghị quyết trên, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, thiết thực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Phát triển toàn diện con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng”3.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiêu cực, lĩnh vực văn hóa, lối sống cũng còn tồn tại những biểu hiện của sự trì trệ, thụ động, chưa bứt phá, đổi mới; tác phong thiếu kỷ luật; lối suy nghĩ và hành động nặng về “tình” mà ít về “lý”, “dĩ hòa vi quý”… không phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quay lưng lại với những giá trị truyền thống của dân tộc, của cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng của một bộ phận cư dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần... Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa ”4.
2. Để khắc phục những hạn chế và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh xây dựng con người Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng nước, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù, sáng tạo trong lao động, tế nhị trong ứng xử, giản dị trong cuộc sống; giàu trí tuệ, phong phú về đời sống tinh thần, trong sáng về đạo đức, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật, chăm lo xây dựng cộng đồng; biết suy nghĩ độc lập, tự chịu trách nhiệm, có tinh thần hợp tác, làm việc có hiệu quả; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, không ngại với khó khăn và gian khổ, có ý chí vươn lên, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Xây dựng gia đình và xã hội đoàn kết, hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, kỷ cương, nền nếp, đời sống vật chất và tinh thần phong phú, lành mạnh; có tinh thần tương thân, tương ái, tự nguyện, tự quản, dân chủ, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hai là, văn hóa Việt Nam phải đặt trong mối quan hệ biện chứng với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là với phát triển kinh tế. Nếu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế đơn thuần sẽ hình thành lối sống thực dụng của xã hội hưởng thụ; ngược lại, nếu chỉ chú ý đến giá trị văn hóa đơn thuần thì xã hội sẽ nghèo nàn, đời sống vật chất sẽ khó khăn, đời sống tinh thần thiếu phong phú. Do đó, phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân với các chuẩn mực trung thực, tôn trọng chữ tín, trách nhiệm...
Ba là, tập trung xây dựng nếp sống mới, những chuẩn mực văn hóa mới, xây dựng, phát triển và sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc, của các vùng, miền. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ giáo dục văn hóa truyền thống và phát triển du lịch. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ tới giá trị chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN
Bốn là, mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, lối sống hay, sống đẹp của các dân tộc trên thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; ngăn ngừa và đấu tranh chống sự xâm nhập văn hóa độc hại và lối sống phản văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế. Chủ động hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ đối ngoại về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
Năm là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn mới, đó là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”5.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, t. 7, tr. 319.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 112.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 64-65, 84, 115-116.
PGS, TS. LÊ VĂN YÊN
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/
Link nội dung: https://chinhtrivaphattrien.vn/xay-dung-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-a1402.html