Thứ sáu, 24/03/2023 09:54:18 (GTM +7)

Yêu cầu của công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hiện nay

Đăng lúc: 08:00 17-11-2022 |  Lượt xem: 85

CT&PT - Trong những năm qua, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất bản hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập. Yêu cầu bức thiết hiện nay là phải đổi mới và nâng cao hiệu quả xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở góp phần giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn vai trò của sách lý luận, chính trị trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp cơ sở; Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp cơ sở; Cán bộ lãnh đạo trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở là những người điều hành trực tiếp việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở. Do vậy, việc học tập, nghiên cứu sách lý luận, chính trị, pháp luật nhằm giúp đội ngũ này nắm vững lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị của cấp trên để thực thi và vận dụng, cụ thể hoá đường lối, nghị quyết đó vào thực tiễn của cơ sở.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư1 về việc xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của các tổ chức cơ sở đảng; phát triển phong trào đọc sách lý luận, chính trị sâu rộng nhằm giáo dục nhận thức, nâng cao trình độ lý luận, củng cố lập trường, rèn luyện bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, các nhà xuất bản đã chú trọng phát triển mảng sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.

2. Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều văn bản chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước chỉ đạo hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở được ban hành, góp phần tăng cường và đổi mới công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật; định hướng kịp thời, cụ thể cho các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản, như: Chỉ thị số 20 - CT/TW ngày 27/01/2003, Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004, Chỉ thị 44-CT/TWngày 16/4/2020 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị; Quyết định Số: 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật đã đáp ứng kịp thời việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” và Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Nội dung, chương trình, các tài liệu phục vụ đào tạo lý luận chính trị từ Trung cấp lý luận chính trị đến Cao cấp lý luận chính trị từng bước được cập nhật, đổi mới.

Thông qua việc thực hiện các Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn và Tủ sách pháp luật… việc xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật được trang bị đến cơ sở ngày càng nhiều:

- Từ năm 2009, khi thực hiện Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai, hàng trăm đầu sách và băng đĩa đã được xuất bản, đưa về các địa phương, đơn vị trên cả nước, bao gồm rất nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử; sách phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sách hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; sách phục vụ tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sách về tình hình thời sự, thời cuộc trong nước, khu vực và thế giới... Trong điều kiện kinh phí ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) còn khó khăn, việc trang bị sách cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào công tác, sản xuất được xem là việc làm rất hữu ích và thiết thực.

- Triển khai xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ2, đến nay, hầu hết mỗi đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đã có 01 tủ sách pháp luật. Hoạt động của Tủ sách pháp luật trong thời gian qua đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương và đáp ứng được nhu cầu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.

- Ngoài sách và tài liệu trang bị dưới dạng sách in, trong thời gian qua, Đề án trang bị sách cho các xã, phường, thị trấnTủ sách pháp luật đã đẩy mạnh việc xuất bản điện tử, sách ebook, tất cả các tài liệu trang bị đều được lưu giữ, quản lý dưới dạng số và được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông, được tra cứu, khai thác miễn phí để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.

Hệ thống các nhà xuất bản đã tích cực tham gia xuất bản sách lý luận, chính trị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

3. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nhìn chung còn có nhiều hạn chế.

Chỉ thị 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư đã chỉ rõ những hạn chế của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nói chung, trong đó có xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, đó là: “Chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Số lượng sách bình quân theo đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc xuất bản điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Công tác rà soát, quy hoạch chưa kịp thời, quyết liệt; nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, công nghệ và vốn. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận, chính trị, nhất là trong tổng kết sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công tác phát hành chậm đổi mới”.

Đặc biệt, còn thiếu các đề tài sách nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành trong công tác đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam; kiến thức về xây dựng và phát triển đô thị thông minh, đô thị công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; kiến thức về chủ quyền biển, đảo; về lịch sử, truyền thống đoàn kết dân tộc; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, đấu tranh bài trừ mê tín, dị đoan,...

Bên cạnh đó, sách, tài liệu phục vụ công tác đào tạo lý luận chính trị còn nhiều bất cập “Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý”3.

Tình hình đó đòi hỏi công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, pháp luật phục vụ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở cần được tăng cường và củng cố đáp ứng yêu cầu đặt ra.


1. Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2019 và thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật

2. Xem: Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

3. Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

TS. Nguyễn Thị Oanh

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Chia sẻ:

Ngoại giao văn hóa Pháp và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam 23/03/2023
CT&PT - Ngày nay, ngoại giao văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia. Là quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời, được coi là cái nôi của văn hóa châu Âu, Pháp đặc biệt chú trọng phát huy các lợi thế của văn hóa, ngoại giao văn hóa và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Trên cơ sở khái quát tiềm năng, lợi thế, những chính sách lớn, mục tiêu, chiến lược… của ngoại giao văn hóa Pháp, bài biết rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Quan điểm Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí 22/03/2023
CT&PT - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống tham ô, lãng phí. Người coi tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, là kẻ thù của nhân dân, là “tội lỗi đê tiện nhất” trong xã hội. Vì vậy, cần phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Bài viết làm rõ vai trò, ý nghĩa và đề xuất giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quan điểm Hồ Chí Minh.
Không thể xuyên tạc cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực 20/03/2023
CT&PT - Khi cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xuất bản, nhất là khi các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức tọa đàm và triển khai quán triệt những nội dung cốt lõi của cuốn sách này, trên mạng xã hội xuất hiện không ít các luận điệu xuyên tạc, phản động.